Vuaoto.com -> Tin Tức -> Tin Giao Thông -> Đưa xe dù núp bóng xe hợp đồng vào khuôn khổ
Hiện nay, tình trạng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi núp bóng hoạt động vận tải khách liên tỉnh ngày càng nở rộ, gây xáo trộn, mất trật tự an toàn giao thông.
Xe “dù” núp bóng xe hợp đồng không còn là “nỗi khổ” riêng của Hà Nội và TP.HCM mà loại hình xe này đã nở rộ ở nhiều đô thị khác. Đáng chú ý, xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký hoạt động xe hợp đồng, hàng ngày vẫn đón chở khách liên tỉnh công khai nhưng trong khi đó lực lượng chức năng lại không xử lý được.
Trước tình hình này, Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP về quản lý vận tải để quản lý chặt chẽ hơn loại hình vận tải này.
Sau khi lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT đã ráo riết vào cuộc, mạnh tay xử lý xe dù núp bóng xe hợp đồng Limousine chở khách liên tỉnh tại Hà Nội. Loại hình dịch vụ vận tải này có vẻ tạm lắng. Nhưng thực chất, các nhà xe hợp đồng Limousine chỉ rút vào, đón khách một cách lặng lẽ và kín đáo hơn.
Nhưng gần đây, loại hình kinh doanh vận tải này lại tiếp tục hoạt động công khai trở lại trên khắp các ngõ ngách thành phố. Ngay ở khu vực cổng Rạp xiếc Trung ương trên đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, cảnh 3-4 chiếc xe Limousine đen bóng xếp hàng đợi khách vẫn diễn ra hàng ngày.
Loại hình xe hợp đồng Limousine biến tướng này hiện đang gây xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, gây bất bình đẳng. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã thừa nhận, xe dù núp bóng xe hợp đồng đang gây bất lợi cho hoạt động vận tải khách liên tỉnh.
Tuy nhiên, bộ GTVT cũng chỉ hứa hẹn sẽ điều chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP, còn hiện tại cơ quan chức năng đã bó tay.
Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, bản chất của loại xe này là xin phù hiệu xe hợp đồng, nhưng thực tế lại chạy như xe khách tuyến cố định, gây bức xúc trong dư luận, mất trật tự ATGT. Để chấn chỉnh lại điều này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP, những lỗ hổng xe hợp đồng thường lách sẽ được bịt lại.
Hết thời lách luật?
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc đã nhìn nhận, hiện nay quy định về loại hình xe này trong Luật Giao thông đường bộ chưa chặt chẽ nên đã dẫn tới hiện tượng “lách” luật, làm nảy sinh nhiều bất cập, xe dù trá hình nở rộ như hiện nay.
“Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến của các Hiệp hội vận tải, doanh nghiệp để tổng hợp lại, làm sao có được quy định để hạn chế thấp nhất tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình” – ông Trần Bảo Ngọc thông tin.
“Làm thế nào để quản lý, biết được xe hợp đồng này di chuyển cố định trên 1 tuyến? Chúng ta đã có quy định gắn thiết bị giám sát hành trình và phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trích xuất dữ liệu này thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ biết xe đó hoạt động như thế nào”, ông Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh, đồng thời thông tin thêm, ngoài ra, xe hợp đồng trước khi chở khách phải gửi danh sách hành khách có trên xe về Sở GTVT quản lý.
Về quy định trên, nhiều Sở GTVT cho rằng, quy định như vậy sẽ gây phiền hà và cấp sở sẽ không có đủ lực lượng để kiểm soát, quản lý. Song ông Trần Bảo Ngọc cho biết, không yêu cầu các Sở GTVT địa phương phải kiểm tra, giám sát hàng ngày mà cần căn cứ vào tài liệu lưu trữ để hậu kiểm, nếu phát hiện có sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP lần này cũng sẽ không chấp nhận việc xe hợp đồng đón khách dọc đường, sau đó mới đưa cho khách một hợp đồng khống. “Dự thảo sẽ hoàn thiện theo hướng xe hoạt động phải có biển hiệu, hợp đồng, tránh xâm hại quyền lợi của khách, và đồng thời xử lý nghiêm khi nhà xe không chấp hành quy định” – lãnh đạo Vụ Vận tải bày tỏ.