Tập đoàn đặt nhà máy tại Cát Hải (Hải Phòng) để sản xuất ôtô mang thương hiệu Việt Nam và dự kiến ra mắt trong hai năm tới.

  • Sáng 2/9, Vingroup tổ chức lễ khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại xã đảo Đồng Bài (Cát Hải, Hải Phòng) với quy mô 335 ha, sản xuất ôtô động cơ đốt trong, ôtô điện và xe máy điện. Tổ hợp có năm phân xưởng cần thiết của chuỗi sản xuất ôtô hoàn chỉnh gồm xưởng ép, hàn thân xe, sơn, động cơ và lắp ráp.
  • Sau 24 tháng, VinFast dự kiến xuất xưởng một mẫu sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu của riêng mình. Nếu thành hiện thực thì đây là dự án có tốc độ hoàn thành chưa từng có ở Việt Nam. 

Theo kế hoạch, ôtô của hãng sẽ có tỷ lệ nội địa hóa 60%, đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Tiêu chuẩn khí thải 5.0 và 6.0. Đến 2025, mục tiêu nhà máy chạm mốc công suất thiết kế 500.000 xe mỗi năm và trở thành hãng ôtô hàng đầu Đông Nam Á.

Sau ba năm, VinFast sẽ có sản phẩm ôtô điện, đón đầu xu hướng của thế giới khi đang dịch chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch. Nhưng trong ngắn hạn 12 tháng, tổ hợp này sẽ giới thiệu sản phẩm đầu tiên là xe máy điện.

Phát biểu về chiến lược gia nhập ngành ôtô xe máy của Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch tập đoàn cho biết: “Sự ra đời của VinFast thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm thế giới. Qua ngành ôtô xe máy, Vingroup cũng mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam”. Để chuẩn bị nguồn lực tài chính, nhân sự, công nghệ, VinFast đang thảo luận và ký hàng loạt hợp đồng hợp tác với các công ty lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực liên quan.

Tham dự lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc coi việc Vingroup mở nhà máy sản xuất ôtô ở huyện khó khăn của Hải Phòng là hành động yêu nước. Người đứng đầu Chính phủ nhận định, VinFast không chỉ đơn thuần là một nhà máy lắp ráp ôtô mà còn có ý nghĩa về thương hiệu quốc gia. Nghiên cứu chỉ răng rằng một nước trên 50 triệu dân phải có thương hiệu ôtô của quốc gia đó. Nếu Vingroup đạt được đúng những kế hoạch đặt ra sẽ là kỳ tích. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, phát triển kinh tế của Cát Hải. Đồng thời thúc đẩy các ngành liên quan tăng trưởng, nhất là mạng lưới công nghiệp phụ trợ.

Tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse AG sẽ thu xếp cho VinFast vay khoản vốn lên tới 800 triệu USD. Bosch, hãng sản xuất linh kiện ôtô hàng đầu thế giới song hành trong quá trình phát triển sản phẩm. Đồng thời VinFast hợp tác với cả Bosch và Siemens về hệ thống quản lý và vận hành nhà máy, hướng tới công nghệ 4.0.

Khâu thiết kế sản phẩm ban đầu cũng được đảm nhiệm bởi các đối tác nước ngoài. Động cơ và hệ thống khung sườn mua từ các nhà thiết kế Mỹ và châu Âu. Thiết kế do các studio danh tiếng của Italy “chắp bút” như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign. Đây là những hãng từng thiết kế cho Lamborghini, Ferrari, BMW, Mercedes, Audi.

Một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) dự kiến thu hút các chuyên gia trong ngành ôtô từ Đức và châu Âu tới làm việc, bên cạnh việc hợp tác với các trung tâm R&D lớn trên thế giới như Magna Steyr, AVL, EDAG. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ là nền tảng giúp VinFast nâng cao khả năng chuyên môn khi phát triển sản phẩm. Hãng dự kiến thành lập thêm một trung tâm R&D ở nước ngoài để phối hợp cho trung tâm trong nước.

 

Lễ khởi công diễn ra sáng 2/9 tại đảo Cát Hải (Hải Phòng). Ảnh: Đức Huy.

Về thị trường, Vingroup đặt hàng tập đoàn tư vấn chiến lược Boston Consulting Group khảo sát ý kiến người tiêu dùng, đánh giá phân khúc thị trường, giới thiệu các nhà cung cấp công nghệ, phụ tùng chính hãng, xây dựng sản phẩm mục tiêu, dự tính công suất, sản lượng.

Trong suốt quá trình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từ 1995, chưa có một bản kế hoạch nào rõ ràng và mục tiêu lớn như VinFast đang đặt ra. Dù câu hỏi “bao giờ Việt Nam làm được ôtô của riêng mình?” vẫn có rất nhiều người muốn trả lời. Đây cũng là xu hướng của nhiều nước vốn không có xuất phát điểm là cường quốc ôtô.

Tại Trung Quốc, các tập đoàn nội địa như Geely, Great Wall, Dongfeng đang nắm thị phần hàng đầu, đe dọa những ông lớn từ châu Âu, Mỹ, Nhật và từng bước vươn ra thế giới. Geely hiện sở hữu Volvo (Thụy Điển) trong khi Great Wall úp mở thông tin thâu tóm Jeep (Mỹ).

Còn ở Đông Nam Á, hai hãng xe nội địa Malaysia là Perodua và Proton áp đảo doanh số. Perodua luôn ở vị trí cao nhất, Proton thường trực trong top 3. Tuy nhiên Perodua vẫn không tự sản xuất động cơ và thiết kế mà sử dụng của Daihatsu.

Thị trường ôtô Việt Nam đang ở thời điểm bản lề trước khi có những đột phá. Doanh số 300.000 xe trong 2016 được các chuyên gia đánh giá là khá khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô thị trường 90 triệu dân cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất chính sách thuế mới có lợi cho xe lắp ráp như miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước và giảm thuế nhập khẩu của phần lớn linh kiện cốt yếu về 0%. 

Với nhiều cơ hội rõ ràng, việc Vingroup tham gia vào ngành bốn bánh là tín hiệu tích cực cho thị trường, ít nhất là người tiêu dùng sẽ được lợi khi có nhiều lựa chọn trong tương lai gần. VinFast bắt đầu thắp lại ước mơ của nhiều người Việt, về những chiếc xe hơi “Made in Vietnam”.

Nguồn : vnexpress.net

Chia sẻ